Ngọn gió bấc từ biển thổi vào buổi chiều cái hương vị mằn mặn thân quen, thổi thêm... một gã trai xa lạ đến nhà tôi .
Tôi không ưa hắn - Không ưa cái mái tóc bờm xờm, khuôn mặt "thiếu ăn" và cặp mắt lúc nào cũng láo liên đáng ngờ.
Người hàng xóm đã dẫn hắn sang, nói với ba tôi : "Cháu tên Thạch. Nhà nghèo nhưng chịu khó lắm. Bác xem có công trình nào đang cần phụ hồ thì nhận cháu vào làm với". Tự nhiên, tôi thấy bực vì cái gật đầu dễ dãi của ba .
- Cái thằng này trông tướng ốm yếu mà làm việc giỏi đáo để. Cứ đà này vài tháng nữa nó sẽ là thợ chính đó - Trong bữa ăn, ba tôi khen hắn nức nỡ - Phòng thằng Bình đang bỏ trống, chốc nữa con Thùy - Ba quay sang tôi - vào quét dọn cho sạch sẽ, mai thằng Thạch sẽ đến ở nhờ một thời gian. Nhà nó xa quá. Đi về không tiện cho công việc.
Tôi nhăn nhó, tính phản đối thì bắt gặp ánh nhìn nghiêm khắc của ba . Giận dỗi tôi bỏ xuống bếp - "Con gái con đứa ... Sắp là sinh viên đại học rồi mà tính tình không quảng đại chút nào, mai mốt ai dám cưới" - Má tôi nói với theo .
Dạo này tôi thật sự chóng mặt với lượng bài vở dày đặc của năm cuối cấp ba . Đời học sinh quan trọng nhất là năm học này . Lơ là một tí là công lao bao năm sẽ thành công cóc. Đã vậy, anh Bình đang học đại học ở SaiGon còn gởi về cả đống tài liệu ôn thi với lời cảnh cáo nghe xanh rờn "Không ngốn hết những thứ này thì đừng bước vào phòng thi, chỉ uổng công uổng tiền thôi nhóc ạ ...". Nhiều đêm tôi phải thức đến một hai giờ để học bài . Ba tôi không có ý kiến. Má chỉ im lặng làm hết những phần việc trong nhà. Vậy mà hắn, cái gã "ngoại đạo" đến ở nhờ, lại dám lái xe ... ủi vào chuyện riêng tư của tôi mới chết chứ.
- Luyện thi mà học như Thùy không có kết quả đâu . Phải sắp xếp việc học cho hệ thống. Phải bắt đầu từ ...
- Ông biết gì mà xía vào - Tôi thật sự thấy bực hết sức.
Hắ n chỉ cười, nét mặt không hề thay đổi sau câu nói của tôi . Thầy bói nói mấy người mình dây chai mặt, quả không sai .
- Mình đã qua kinh nghiệm này hai năm trước. Năm đó mình được tuyển thẳng vào đại học đấy . Nhưng nhà nghèo, phải ở nhà phụ giúp ba mẹ. Mình đi làm để kiếm tiền học đại học...
Tôi không tin lời hắn, nếu không có cuộc "kiểm tra" tại phòng hắn sau khi hắn đi làm. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện trước đây hắn cũng là học sinh của trường tôi ! Cái tên Nguyễn Đăng Đình Thạch, thủ khoa của kỳ thi tú tài hai năm trước ai mà không nghe tiếng. Có điều tôi không biết mặt hắn đấy thôi .
Những hiểu biết về "tướng số" của tôi quả không nhầm... Hắn chẳng những thuộc loại chai mà còn "siêu lì" nữa . Buổi tối tôi ngồi vào bàn học thì hắn mò tới .
- Cho mình học chung với . Học hai người mau tiến hơn.
Chưa cần biết tôi có đồng ý hay không, hắn kéo ghế ngồi xuống, giở giở lật lật cuốn đề toán ôn thi của tôi rồi bảo :
- Thùy yếu nhất môn nào ? Chúng ta sẽ bắt đầu từ môn ấy ...
Tôi vốn dư sinh tố C. Bình thường khi không ưa ai tôi mở miệng là nghe mùi chua rồi . Nhưng bây giờ nhớ lại quá trình học tập của hắn, tôi cũng hơi "kiềng".
- Muốn làm thầy hả ? Vậy báo trước để "thầy" biết. Trong các môn, môn nào tôi cũng đội sổ hết đdấy .
Tôi nói là nói để thỏa mãn tự ái, chứ thật ra từ lúc có hắn hướng dẫn, việc học của tôi tiến bộ nhiều lắm. Thì ra ba tôi lúc nào cũng đúng. Tôi thường võ đoán khi nhận xét về người khác. Cũng may là hắn hiền lành chứ gặp anh Bình thì chiến tranh đã xảy ra từ lâu rồi . Nhờ kinh nghiệm chiến bại của anh Bình nên bây giờ tôi mới chấp nhận "hòa bình", chịu ngồi học chung với hắn mỗi đêm.
Ác cảm về hắn trong tôi mỗi ngày một giảm theo tỉ lệ nghịch với tình cảm... Giờ tôi chỉ còn ghét hắn chút chút, nhất là cái hôm trời mưa dữ, gió biển quất vào những chiếc cột chống giàn hoa Cát Đằng ttrước nhà. Nhìn giàn hoa rung rinh sắp ngã, tôi như muốn khóc. Bỗng hắn từ trong nhà lao ra, không kể mưa gió ướt át, cột cột chống chống hồi lâu ... Nhờ hắn mà sau cơn bão, giàn hoa vẫn còn nguyên vẹn.
Tôi thương giàn Cát Đằng này lắm vì đó là "giàn hoa mơ ước " của tôi . Ngày ba tôi bị tai nạn té trên giàn giáo xuống, phải chở đi bệnh viện cấp cứu . Suốt buổi chiều, má bắt tôi phải ngồi coi nhà. Tôi ngồi dưới giàn Cát Đằng, nghe tiếng hoa rụng lộp bộp mà lòng nóng ruột vô kể, cứ mỗi lần hoa rụng là tôi lại thầm ước - Ước gì ba tôi được lành lặn trở về. Tôi ước đến lần thứ ba mươi thì má tôi chạy về, bảo : Ba rơi trúng đống cát, chỉ bị choáng nhẹ, tôi mừng quá, chạy lượm đủ ba mươi cánh hoa "mơ ước", vuốt ve và tung hết lên trời ...
Ba tuần nay, Thạch nghỉ làm để chuẩn bị thi vào đại học. Tôi cũng bận rộn thi cử nên không gặp ai .
Tôi đậu tốt nghiệp và đậu luôn vào sư phạm ngữ văn. Có điều lạ là tôi không thấy tên Thạch ghi trên bảng vàng của trường đại học nào cả. Học giỏi như hắn chẵng lẽ lại thi rớt ?
Nhà Thạch ở tận cùng những ngõ ngách của xóm chài . Muốn đến nhà hắn phải đi qua những con đường "siêu xú uế". Tôi phải nín thở đi ngang qua khu nghĩa địa . Mùi cá heo phơi dày trên đất cứ xộc thẳng vào mũi, cộng với ruồi táp vào mặt... Chưa bao giờ tôi lại "can đảm" như thế này .
- Anh Thạch phải đi Vũng Tàu cả tuần nay để tìm ba em - Cô em gái Thạch nói, giọng rơm rớm nước mắt - Ba đi câu mực bị trôi thúng. Hơn một tuần rồi chưa có tin tức gì.
Có tiếng ho húng hắng, tôi quay lại, trên chiếc giường kê sát vách nhà, một cái đầu bạc trắng, đang ngọ nguậy, khuôn mặt xanh mét bệnh hoạn - "Má em bị liệt hai năm rồi"...
Trên đường về nhà, tự nhiên tôi thấy mình chững chạc lên một tí. Hình như tôi đã lớn ?... Bạn có tin điều này không ? Khi người ta biết cúi đầu trước một nỗi đau, người ta sẽ không còn là "trẻ con" nữa .